Tư Duy Phản Biện (Critical Thinking) Là Gì?

Xuất hiện lần đầu vào khoảng hơn 2000 năm trước trong những lời giảng của triết gia vĩ đại Socrates, tư duy phản biện vẫn được các nhà tuyển dụng xếp vào nhóm các kỹ năng cần thiết hàng đầu cho đến năm 2025 (theo “Báo cáo Tương lai Việc làm” của World Economic Forum 2020). Vậy tư duy phản biện là gì và vì sao nó lại quan trọng đến vậy? Hãy cùng Vietnam Management Consulting tìm hiểu trong bài viết này.

Table of Contents

1. Tư duy phản biện – chìa khóa đưa bạn thoát khỏi những lối mòn trong suy nghĩ

Tư duy phản biện hay tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng độc lập bao gồm việc phân tích và đánh giá một vấn đề được đặt ra theo những góc độ mới nhằm làm sáng tỏ thêm vấn đề ấy. Nói cách khác, tư duy phản biện luôn gắn với việc không ngừng đặt ra các câu hỏi đối với lượng thông tin mà não bộ tiếp nhận. Nó đòi hỏi ở mỗi người vốn hiểu biết nhất định liên quan đến vấn đề đang được đề cập, khả năng độc lập trong suy nghĩ cũng như sự sắc bén về tư duy để có thể đưa ra những lập luận rõ ràng, logic, tập trung vào nội dung cốt lõi, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.

\"tư

Do không nắm rõ khái niệm của tư duy phản biện mà một số người thường nhầm lẫn nó với chủ nghĩa hoài nghi, chỉ trích cá nhân, cố tình bắt bẻ và bới móc trên cơ sở kiến thức còn hạn chế, suy diễn không có căn cứ hoặc đơn thuần cho rằng tư duy phản biện chẳng hề quan trọng. Điều này vô tình ảnh hưởng đến cơ hội nâng cao khả năng tư duy của chính họ, và dần dần những lối mòn trong suy nghĩ sẽ ăn sâu vào tiềm thức của họ theo thời gian. 

Các lối mòn về tư duy này nguy hiểm hơn chúng ta tưởng. Thực tế cho thấy rằng rất nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp hoặc tổ chức gặp phải như chậm chuyển đổi công nghệ hoặc trục trặc về cơ cấu tổ chức đều xuất phát từ việc các nhà quản trị thiếu đi tư duy phản biện trong tầm nhìn chiến lược của mình. Đây là lí do mà tư duy phản biện đang được ngành giáo dục nỗ lực đưa vào chương trình giảng dạy và là một trong những phương pháp tư duy rất được khuyến khích dù cho bạn đang công tác trong lĩnh vực nào.

2. 6 cấp độ của tư duy phản biện

\"tư

Cần phải nhận thức rõ rằng tư duy phản biện không phải một chức năng bẩm sinh của não bộ mà phải được hình thành qua quá trình nhận thức và chủ động luyện tập. Các nhà khoa học thường phân chia mức thông thạo trong tư duy phản biện thành 6 cấp độ sau:

2.1. Cấp độ I: The Unreflective Thinker

Có thể hiểu rằng ở giai đoạn này, tư duy phản biện không hề tồn tại trong quá trình suy nghĩ của một người. Khi chưa nhận thức rõ về tư duy phản biện và tầm quan trọng của nó, chúng ta sẽ vô tình ngộ nhận tất cả những gì chúng ta biết là sự thật, hình thành nhiều thiên kiến chủ quan và vì vậy mà sẽ không nhận ra rằng có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống mà mình chưa biết.

2.2. Cấp độ II: The Challenged Thinker

Những người ở cấp độ này có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phải suy ngẫm và tư duy độc lập về mọi thứ cũng như hiểu khá rõ các thiếu sót này của mình. Họ có thể cố gắng khắc phục bằng cách tự đưa ra những giả định hay quan điểm và góc nhìn riêng nhưng nhìn chung đều ở mức rất hời hợt, nông cạn. 

Tuy nhiên, nhận thức được vấn đề chính là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề. Một sự tiến bộ vô cùng đáng kể ở người thuộc cấp độ này so với người ở cấp độ trước là họ đã chấp nhận những thiếu sót và ngộ nhận của mình cũng như có ý thức khắc phục, chỉnh sửa chúng. Dù vậy, một số người ở giai đoạn này chính vì sự tiến bộ trên lại nghĩ rằng mình thông minh và sâu sắc hơn đa số người khác, gây cản trở cho việc nỗ lực luyện tập để tiến lên cấp độ tiếp theo.

2.3. Cấp độ III: The Beginning Thinker

Người ở cấp độ này có thể tương đối chủ động trong việc suy nghĩ cũng như điều khiển cách tư duy và hành vi của mình. Họ hiểu rằng quá trình tư duy có thể có những điểm mù do còn thiếu kỹ năng hoặc do có sự chi phối của cảm xúc, cái tôi và đang bắt đầu tìm cách khắc phục chúng. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn của họ về tính logic, rõ ràng và chính xác trong lập luận dần dần được nâng cao. Người ở cấp độ này cũng có phản ứng tích cực hơn với những chỉ trích và nhận xét từ người khác và thường sẽ chủ động sử dụng chúng để điều chỉnh lại suy nghĩ của mình.

\"tư

2.4. Cấp độ IV: The Practical Thinker

Chúng ta sẽ đạt được cấp độ này khi đã nắm được những phương pháp cơ bản của tư duy phản biện. Người ở cấp độ này nhận thức khá đầy đủ về những điểm mạnh và điểm yếu trong lối tư duy của mình cũng như có kế hoạch đầy đủ, cụ thể và thường xuyên để cải thiện chúng.

2.5. Cấp độ V: The Advanced Thinker

Đối với người ở cấp độ V, tư duy phản biện đã gần như trở thành thói quen của họ khi nhìn vào những vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Họ có thể xác định rõ những thành kiến trong chính suy nghĩ của mình cũng như dễ dàng triển khai nhiều góc nhìn khác nhau trong quá trình tư duy, vì vậy mà họ cũng có khả năng thấu hiểu cách nhìn nhận của người khác. Những người này luôn nghiêm khắc trong việc tự phê bình bản thân và vẫn tiếp tục có những kế hoạch bài bản để cải thiện những thiếu sót.

2.6. Cấp độ VI: The Master Thinker

Đây là giai đoạn khi mà tư duy phản biện đã thành một kiểu phản xạ của não bộ, và người đạt đến cấp độ này hoàn toàn có khả năng điều khiển cách mà bản thân đưa ra các quyết định cũng như khống chế được sự can thiệp của cảm xúc hoặc cái tôi của mình trong quá trình tư duy. Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học cho rằng con người không cách nào đạt đến được cấp độ hoàn mỹ này.

\"tư

3. Một số gợi ý để thực hành và luyện tập tư duy phản biện

3.1. Đặt câu hỏi về các giả định và niềm tin phổ biến

Các giả định hoặc những niềm tin sai lầm tồn tại rất phổ biến trong kinh doanh nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Nếu bạn là một chuyên gia tư vấn chiến lược, nhiệm vụ của bạn khi muốn tìm ra đâu là vấn đề mà doanh nghiệp hay tổ chức đang gặp phải chính là đặt câu hỏi về các giả định hoặc niềm tin hiện tại của họ.

Một giả định hoặc niềm tin sai lầm trong kinh doanh thể hiện qua các ví dụ như sau: 

  • Doanh nghiệp X chuyên bán quần áo thuộc phân khúc bình dân nghĩ rằng các khách hàng của mình hiện có số thu nhập khả dụng (disposable income) rất cao so với giai đoạn trước, thế nên doanh nghiệp đã tăng giá các mặt hàng của mình lên nhiều lần. Thay vì làm thế, doanh nghiệp đã có thể kiếm thêm vài triệu đô-la mỗi năm nếu vẫn duy trì giá hợp túi tiền cho các mặt hàng của mình.
  • Một doanh nghiệp Y khác tin rằng các khách hàng ở khắp châu Á của mình đều thích một kiểu trang sức như nhau nên họ bán các mẫu thiết kế giống nhau ở tất cả các cửa hàng tại châu lục này mà không tiến hành bất cứ cuộc điều tra hay khảo sát nào về nhu cầu thực sự của từng nhóm khách hàng ở từng nước khác nhau.

\"\"

Trong hai trường hợp vừa đề cập, nếu lãnh đạo của những doanh nghiệp này có tư duy phản biện tốt, họ đã suy nghĩ về lí do, các bằng chứng nào cho thấy niềm tin trên của họ là đúng hoặc sẽ thực hiện kiểm nghiệm những giả định của mình để có được những lập luận thực sự logic, và vì vậy sẽ ít khi mắc phải những sai lầm như trên.

Bên cạnh đó, hãy nhớ rằng quan trọng hơn cả việc đặt câu hỏi chính là biết khi nào nên đặt câu hỏi và phải làm sao cho những câu hỏi và lập luận của mình hợp logic. Thời điểm cực kì quan trọng trong kinh doanh hoặc trong hoạch định chiến lược mà khi ấy rất cần những câu hỏi phản biện chính là quá trình hoàn thiện các giải pháp cho vấn đề hiện tại. Lúc này nhà quản trị hoặc chuyên gia tư vấn có thể tự phản biện về những kế hoạch của mình hoặc của đội mình bằng một số câu hỏi như sau:

  • Làm cách nào mà tôi biết rằng với biện pháp này doanh số sẽ tăng lên?
  • Các nghiên cứu hiện tại nói gì về những giả định từ phía tôi liên quan đến tương lai của thị trường? 
  • Tôi đã đặt mình vào vị trí của khách hàng để thấu hiểu họ chưa?

Một cách khác để đặt câu hỏi phản biện trong quá trình này là cân nhắc đến những khả năng bất thường khác. Ví dụ như:

  •  Sẽ thế nào nếu khách hàng của chúng ta thay đổi về nhu cầu?
  •  Phải ứng phó ra sao nếu nhà cung cấp của chúng ta ngừng hoạt động do dịch bệnh diễn biến phức tạp?

Cách sử dụng tư duy phản biện nêu trên sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn đối với vấn đề cũng như rèn luyện cho bản thân sự nhạy bén. Nếu vẫn đang trong thời gian luyện tập, bạn hãy tìm và đọc về những chiến lược mới hoặc khó khăn hiện tại của một số doanh nghiệp điển hình và thử tự phân tích theo một số gợi ý như trên nhé.

3.2. Tìm kiếm sự đa dạng về quan điểm

\"tư

Con người luôn có xu hướng trở nên gần gũi và ở cạnh những người có cùng quan điểm với mình. Ngày nay, với thuật toán chọn lọc để thoả mãn xu hướng tự nhiên này ở người dùng của các trang mạng xã hội, việc rèn luyện tư duy phản biện đang thực sự gặp trở ngại lớn. 

Vậy nên một cách hữu ích để rèn luyện tư duy phản biện trong bạn là hãy tìm đến những người có quan điểm khác biệt với mình. Cần lưu ý rằng quan điểm khác biệt không có nghĩa là trái ngược. Sự khác biệt ở đây có thể được hình thành do vị trí công tác khác nhau, số năm kinh nghiệm khác nhau. Vì vậy mà trong môi trường làm việc, hãy tìm gặp và trao đổi với các nhân viên ở những bộ phận khác nhau, những nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm hơn hoặc chính cấp trên của bạn để hoàn thiện hơn về tư duy và vốn hiểu biết của mình.

3.3. Thảo luận nhóm theo phương pháp Socrates

\"tư

Cha đẻ của tư duy phản biện cũng đã để lại cho hậu nhân một phương pháp hiệu quả nhằm phát triển và áp dụng kĩ năng này trong việc thảo luận để tìm ra bản chất của vấn đề, đó là phương pháp Socrates. 

Phương pháp này có thể được định nghĩa như sau: Phương pháp Socrates bao gồm việc sử dụng một loạt các câu hỏi đặc trưng, có nguyên tắc để bóc tách, truy tìm các tư tưởng ẩn chứa trong câu trả lời. Thông qua việc hỏi đáp liên hoàn, người được hỏi sẽ dần nhận ra các lỗ hổng trong lập luận của mình, từ đó hiểu sâu sắc hơn về bản chất vấn đề và tự rút ra bài học cho bản thân” (Hoaglund, 1993). 

Phương pháp do Socrates tạo ra liên quan đến câu nói nổi tiếng của chính ông: “Tôi chỉ biết một điều rằng tôi không biết gì cả”. Khi học trò đến và đặt câu hỏi hoặc đưa ra một giả định bất kỳ, ông luôn quả quyết rằng mình chẳng hiểu gì về vấn đề đó. Vậy nên ông chỉ đáp lại những thắc mắc ấy bằng nhiều câu hỏi hơn. Thực chất, qua quá trình này, Socrates đang thăm dò logic của các học trò. Việc liên tục trả lời những câu hỏi dồn dập của ông khiến họ tự nhận ra những thiên kiến, lỗi ngụy biện hay các giả định thiếu cơ sở trong lập luận của mình để tự tìm cách khắc phục. Phương pháp này hiện vẫn được áp dụng rộng rãi trong việc giảng dạy và nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học tôn giáo, y khoa, thiên văn học, toán học, luật pháp và tố tụng,…

\"tư

Các bước cơ bản để xây dựng 1 cuộc đối thoại theo phương pháp Socrates như sau:

  • Người A: Đưa ra câu hỏi/vấn đề
  • Người B: Đưa ra một câu hỏi
  • Người A: Đưa ra câu trả lời
  • Người B: Phản bác/Đặt nghi vấn cho câu trả lời vừa được đưa ra bằng cách đưa ra trường hợp ngoại lệ, phản chứng, kiểm tra thực tế (fact check), kiểm tra ngụy biện (fallacy check)…
  • Người A: Chỉnh sửa/Củng cố lại luận điểm
  • Người B tiếp tục đặt câu hỏi
  • Người A: Rơi vào trạng thái “aporia” (trạng thái bối rối khi nhận ra mâu thuẫn trong lập luận của mình và không thể tiếp tục phản biện)

Bạn có thể sử dụng các bước gợi ý này để mài giũa tư duy phản biện bằng cách tập luyện thảo luận với nhóm học tập hoặc với sự tham gia của một giáo viên, người hướng dẫn nếu bạn và những người khác trong nhóm không chắc chắn về lượng kiến thức của mình.

3.4. Nghiên cứu để có thêm tri thức

Tri thức là sức mạnh. Đối với việc thực hành tư duy phản biện, tri thức lại là yếu tố tối thiểu cần có nếu bạn muốn những lập luận của mình trở nên logic và có đầy đủ bằng chứng rõ ràng.

\"tư

Trong thế giới số hiện nay, những nguồn học liệu phục vụ cho việc nghiên cứu của chúng ta là không hề thiếu. Vấn đề còn lại là liệu chúng ta có sẵn lòng dành thời gian để nghiên cứu và cách nghiên cứu của chúng ta có khoa học hay không. Nhưng trước tiên, hãy chú ý chọn lọc những tài liệu uy tín và đa dạng về quan điểm để tạo căn bản vững chắc cho quá trình này.

4. Lời kết

Tư duy phản biện và những chủ đề liên quan vẫn luôn là đề tài nghiên cứu và tranh luận giữa các nhà khoa học trên thế giới. Điều đó cho thấy một điều rõ ràng rằng việc thực hành và luyện tập tư duy phản biện sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với trên lý thuyết. Dù vậy, việc có được tư duy phản biện sẽ giúp cho chúng ta rất nhiều trong cả sự nghiệp và cuộc sống. Vietnam Management Consulting hy vọng các bạn sẽ tiếp tục nỗ lực và kiên trì luyện tập, không chỉ về tư duy phản biện mà còn tất cả những kỹ năng cần thiết khác nữa nhé.

Chia sẻ:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email
Print
0 0 đánh giá
Đánh giá nội dung
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Table of Contents

Bài viết liên quan

HOW TO STRUCTURE MARKET ENTRY CASE

HOW TO STRUCTURE MARKET ENTRY CASE Khi chuẩn bị cho case interview, một trong những chủ đề phổ biến nhất mà bạn có thể gặp