Case interview là một vòng quan trọng, mang tính thử thách cao nhất trong quy trình tuyển dụng của các công ty tư vấn chiến lược. Để chinh phục được case interview, các ứng viên cần thể hiện được khả năng tư duy logic, giải quyết vấn đề và trình bày thông tin mạch lạc. Hãy cùng Vietnam Management Consulting tìm hiểu về các loại case interview thường gặp và cách chinh phục các loại case khác nhau nhé.
1. Case interview là gì?
Case interview là một hình thức phỏng vấn giải business case thường gặp, và là nét đặc trưng trong quy trình tuyển dụng tại các công ty tư vấn quản trị. Mục đích của case interview là để đánh giá khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của các ứng viên.
Vòng phỏng vấn case cũng là vòng mang tính thử thách cao nhất. Mỗi case interview thường kéo dài từ 30’ – 45’ mà ở đó, các ứng viên sẽ được giao một tình huống giả dụ về các vấn đề trong kinh doanh và sẽ được đánh giá dựa trên cách lập luận logic, tư duy và hướng giải quyết vấn đề đó.
Với vòng case interview, quá trình quan trọng hơn kết quả, tức là, quá trình tư duy và phân tích của bạn quan trọng hơn đề xuất mà bạn đưa ra. Nói cách khác, nhà tuyển dụng sẽ xem xét cả quá trình và sự tương tác của bạn trong lúc giải case để hiểu được dòng tư duy và lập luận của bạn hơn là chỉ chú trọng về ý kiến bạn đưa ra.
2. Vai trò của case interview trong quá trình tuyển dụng Management Consulting
Các case study được đưa ra trong vòng này phản ánh chân thật công việc hàng ngày của một chuyên gia tư vấn chiến lược. Đây là vòng giúp công ty đánh giá năng lực và khả năng tư duy của ứng viên trước những business case thực tế.
Ngoài ra, vòng case interview cũng xem xét khả năng trình bày thông tin cũng như kiến thức, tư duy trong kinh doanh của ứng viên. Được mô phỏng như một cuộc họp thật sự với đối tác, ứng viên cần biết cách chủ động đặt câu hỏi hợp lý, áp dụng đúng mô hình (framework), có tư duy kinh doanh nhạy bén cùng khả năng diễn đạt tốt
Vài ví dụ về case interview:
- Khách hàng của bạn là Pepsi, với số lợi nhuận đang giảm trong những năm gần đây, bạn hãy tìm ra nguyên nhân cho sự sụt giảm đó và đề xuất cách khắc phục.
- Khách hàng của bạn muốn cho ra mắt một dòng sản phẩm mới dành riêng cho thị trường Châu Âu. Hãy tư vấn sản phẩm thích hợp cho họ.
- CEO của một công ty xi măng đang dự định ngừng hoạt động một nhà máy của mình. Họ có nên làm điều đó không?
3. Các loại case interview thường gặp
Thông thường, về mặt “kỹ thuật”, sẽ có 2 dạng case interview chính:
Interviewer-led case interview
- Người phỏng vấn sẽ chuẩn bị một list câu hỏi cho các ứng viên trong quá trình phỏng vấn. Người phỏng vấn sẽ cung cấp cho bạn dữ liệu để phân tích (biểu đồ, hình).
- Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá khả năng tư duy, phân tích vấn đề của ứng viên theo từng câu hỏi được đưa ra, vì vậy khả năng nhận biết và tư duy nhạy bén là vô cùng quan trọng.
- Dạng interview led case này hay thường được McKinsey sử dụng, nên còn thường hay được biết đến là “McKinsey-style case interview”.
Candidate-led case interview
- Ứng viên chủ động dẫn dắt, đặt câu hỏi, tương tác với người phỏng vấn để tìm ra dữ kiện giải quyết đề bài.
- Người phỏng vấn chỉ đóng vai trò đánh giá, cung cấp dữ liệu và đưa ra gợi ý định hướng khi cần thiết
- Được sử dụng phổ biến và rộng rãi, không chỉ ở các công ty tư vấn chiến lược mà còn các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới
Đọc thêm: Phỏng vấn dạng Interview-led case interview và Candidate led case interview
Các case trong case interview thường sẽ rơi vào các dạng case sau đây:
3.1. Dạng 1: Câu hỏi đào sâu nguyên nhân (Framework/Issue Tree questions)
Nếu người phỏng vấn yêu cầu bạn xác định nguyên nhân, nguồn gốc của vấn đề hoặc chia nhỏ một mục nào đó, họ đang yêu cầu bạn vẽ Issue tree
Để vẽ được issue tree chuẩn chỉnh, bạn cần nắm rõ những kiến thức nền tảng trong tư duy giải quyết vấn đề, mô hình nguyên tắc MECE và các framework thường dùng khác
Ngoài ra, các kiến thức và hiểu biết về kinh doanh cũng rất quan trọng trong quá trình nhìn nhận và xác định vấn đề trong kinh doanh, vì vậy bạn nên cập nhật tin tức và bổ sung vốn kiến thức cho mình mỗi ngày nhé!
3.2. Dạng 2: Ước tính, đo lường quy mô thị trường (Market Sizing & Guesstimate)
Đây là dạng case thường gặp trong case interview, câu hỏi dạng ước tính như “có bao nhiêu cái cây trong thảo cầm viên” hay “quy mô thị trường ngành thương mại điện tử ở Việt Nam?”
Điều quan trọng nhất để “crack” được dạng case ước tính, đo lường nằm ở phần tư duy logic và cách lập luận, phân tích chặt chẽ. Có 4 bước để chinh phục được case study dạng này như sau:
Bước 1: Làm rõ yêu cầu đề bài
Đảm bảo bạn hiểu rõ yêu cầu đề bài, cần lưu ý xác nhận lại với người phỏng vấn các chi tiết nhỏ như từ ngữ chuyên ngành, metric để không làm sai yêu cầu đề bài
Bước 2: Chia nhỏ vấn đề
Chia nhỏ các vấn đề trong câu hỏi (có bao nhiêu cái cây trong thảo cầm viên, quy mô thị trường ngành thương mại điện tử) thành các phần nhỏ hơn để dễ ước tính hơn
Bước 3: Giải quyết từng phần một
Ước tính riêng lẻ từng phần một. (Lưu ý: Tất cả các đo lường, ước tính cần thể hiện được tính logic, và phải được lập luận chặt chẽ dựa trên dữ kiện và số liệu đã cho).
Bước 4: “Ghép” thành một bức tranh tổng thể
Ghép cái phần riêng lẻ lại thành một bức tranh tổng thể để đưa ra kết luận. Khả năng tính toán nhanh được đề cao trong phần này, nhưng cũng không nên vội nếu bạn chưa tự tin lắm với khả năng của mình
Trừ khi đáp án của bạn lệch đi rất nhiều so với một đáp án hợp lý, đừng lo lắng về việc ước tính “sai” trong dạng câu hỏi này. Nhà tuyển dụng thực chất đang muốn đánh giá khả năng lập luận và tư duy logic của bạn
3.3. Dạng 3: Định giá (Valuation)
Các case về định giá bàn về cách ước tính giá trị của một doanh nghiệp. Đây cũng là một dạng câu hỏi thường gặp trong vòng case interview.
Các case dạng này là sự kết hợp giữa bài toán của việc đánh giá, ước lượng quy mô vào doanh nghiệp. Để chinh phục được loại case này, ứng viên cần có kiến thức về tài chính cơ bản
Có 3 cách để định giá một doanh nghiệp:
- Phương pháp NPV (The NPV Method):
Dựa vào hiện giá ròng (net present value), tức là giá trị toàn bộ dòng tiền của công ty trong tương lai được chiết khấu về thời điểm hiện tại. Nói cách khác, cách định giá này chỉ ra “công ty này đáng giá X USD vì nó có khả năng sinh lời Y USD trong Z năm”.
Đây là chỉ số quan trọng trong việc phân tích khả năng sinh lời của công ty trong tương lai, và áp dụng hiệu quả cho các doanh nghiệp có chuyển động dòng tiền ở mức dương và ổn định
- Phương pháp giá trị tài sản ròng (The Net Assets Method):
Lấy tổng tài sản (total assets) của doanh nghiệp trừ đi các khoản nợ (liabilities). Cách định giá này, giải quyết bài toán theo dạng, về bản chất, “Doanh nghiệp này đáng giá X-Y USD vì nó sở hữu X USD và nợ Y USD”.
Phương pháp này áp dụng hiệu quả nhất khi doanh nghiệp đó sở hữu nhiều tài sản hữu hình (tangible assets) như cơ sở sản xuất hoặc các tài sản vô hình (intangible assets) dễ định giá
- Phương pháp thị trường (The Market Method)
Chọn ra một chỉ số của công ty (cổ phiếu hoặc các chỉ số khác gắn liền với thị trường) và nhân với số lượng đang lưu hành trong thị trường. Nói cách khác, “công ty này đáng giá A x B USD vì nó đang sở hữu một lượng A và mỗi lượng A mang một giá trị B”
Phương pháp định giá này áp dụng hiệu quả nhất cho các ngành mà các dữ liệu, chỉ số của toàn ngành nói chung, và công ty trong ngành nói riêng minh bạch và có thể dễ dàng truy cập để kiểm tra.
Trong quá trình phỏng vấn case interview, ứng viên cần đánh giá case và lựa chọn phương pháp thích hợp sau đó yêu cầu nhà phỏng vấn cung cấp dữ liệu cần thiết.
3.4. Dạng 4: Brain Teasers
Brain teasers là các câu đố nhằm đánh giá tư duy nhạy bén, khả năng logic và sáng tạo của ứng viên. Một ví dụ tiêu biểu cho dạng câu hỏi này là “Làm thế nào để đặt con hươu cao cổ vào tủ lạnh”.
Mặc dù mức độ phổ biến của dạng câu hỏi này trong các case interview đã giảm, nhưng chúng vẫn có khả năng xuất hiện trong vòng phỏng vấn của bạn. Do vậy, bạn vẫn nên chuẩn bị kỹ cho dạng câu hỏi này.
- Dạng 5: Đọc hiểu biểu đồ (Chart Insight Questions)
Bạn sẽ không thể trở thành một chuyên gia tư vấn chiến lược nếu bạn không có kỹ năng đọc hiểu các loại đồ thị, biểu đồ. Để đưa ra một tư vấn hợp lý và có tầm nhìn, bạn cần hiểu được câu chuyện đằng sau những con số, đồ thị phức tạp.
Trong management consulting hoặc case interview, hầu hết các loại biểu đồ sẽ thuộc (hoặc là dạng kết hợp) giữa 4 loại biểu đồ cơ bản sau:
- Biểu đồ cột (bar chart): So sánh một hoặc các giá trị với nhau ở cùng một thời điểm hoặc nhiều thời điểm khác nhau
- Biểu đồ đường (line chart): Thể hiện xu hướng của dữ liệu trong một khoảng thời gian nhất định
- Biểu đồ tròn (pie chart): Thể hiện cơ cấu, tỷ lệ trong một tổng thể chung
- Biểu đồ phân tán (scatter plot): Sử dụng các điểm để thể hiện mối tương quan giữa hai biến
Để đọc hiểu và trả lời câu hỏi dạng biểu đồ trong case interview, áp dụng 2 bước sau:
- Đọc tên biểu đồ: Bạn cần chắc chắn 120% về những yếu tố biểu đồ đang thể hiện. Để hiểu được các thông tin đó, bạn cần xem xét cẩn thận các giá trị như: tên biểu đồ, trục tung, trục hoành, đơn vị,
- Tìm kiếm insight: Để có thể đọc hiểu thông tin chi tiết từ biểu đồ, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
-
- Mục đích thường dùng cho loại biểu đồ này là gì?
- Xác định mục tiêu của bản thân khi dùng biểu đồ này
- Có điểm gì bất thường trong dữ liệu không?
- Một lưu ý quan trọng: Luôn thêm vào câu trả lời của bạn yếu tố “thì sao” (so what) – đối với một nhà tư vấn chiến lược, dữ liệu phải được chuyển hóa thành câu chuyện và áp dụng được vào thực tế thì đó mới là dữ liệu có ý nghĩa
4. Tạm kết
Vừa rồi là 5 dạng case interview thường gặp trong quá trình tuyển dụng tại các công ty tư vấn chiến lược. Hãy luôn nhớ rằng, quá trình tư duy, suy nghĩ và cách lập luận của bạn trong vòng này quan trọng hơn đề xuất cuối cùng mà bạn đưa ra. Cách tốt nhất để chinh phục vòng case interview là nắm rõ lý thuyết cơ bản, các framework và học cách vận dụng chúng vào đề bài thực tế.
Đọc thêm: 5 Framework giải case interview thường gặp cho người mới bắt đầu