Trở thành một nhà tư vấn quản trị vẫn luôn là mơ ước của nhiều người. Mơ ước này cũng đã chứng tỏ được xu thế tiến bộ của nó trong sự phát triển thần tốc của xã hội, bởi trên thực tế hiện nay nghề tư vấn quản trị đang được đánh giá là “hot” và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người đi trước thì việc trở thành một nhà tư vấn quản trị thành đạt là điều không hề đơn giản. Vậy hành trang như thế nào để có thể trở thành một cố vấn quản trị tài ba? Bài viết sau xin đưa ra một vài quan điểm để bạn đọc tham khảo và có thể cùng trao đổi.
Từ trước đến nay, thành công luôn là kết quả tất yếu của một sự lựa chọn khôn ngoan và đúng đắn. Việc hôm nay bạn lựa chọn công việc gì, lựa chọn trở thành ai chắc chắn sẽ đem lại những ảnh hưởng nhất định tới tương lai của bạn. Trong bài viết này, đầu tiên, chúng ta sẽ cùng giải quyết câu hỏi: “Liệu rằng trở thành cố vấn quản trị có phải một sự lựa chọn sáng suốt hay không?”
Table of Contents
1. Tư vấn quản trị có đáng để theo đuổi?
Tư vấn quản trị được coi là một trong những ngành cao cấp nhất. Rất nhiều sinh viên của những trường đại học danh giá đều lựa chọn trở thành một nhà tư vấn quản trị bởi những lý do sau đây:
1.1. Môi trường làm việc và yếu tố con người
Một trong số những lý do nhiều người ao ước trở thành một tư vấn viên quản trị là cơ hội được làm việc với những đồng nghiệp “chất lượng” trong ngành. Những người làm việc cùng bạn có thể từng là một luật sư, kĩ sư, bác sĩ, giảng viên hay thậm chí là cảnh sát… Và ngay trong đội của bạn cũng sẽ có những người đến từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau nên bạn sẽ có cơ hội học hỏi được một khối kiến thức vô cùng đồ sộ. Việc buổi sáng ngồi bàn công chuyện với một bác chuyên gia ở Mỹ, chiều liên lạc với người chị ở Anh hay một người bạn ở Ấn Độ là một trải nghiệm rất đỗi bình thường nếu trở thành một tư vấn viên quản trị.
1.2. Cơ hội phát triển và thăng tiến
Là một nhà tư vấn quản trị, bạn sẽ có cơ hội được học tập nhiều ngành khác nhau và từ những nguồn đáng tin cậy. Bạn có thể học hỏi từ những khóa học công khai do công ty cung cấp hay từ chính các chuyên gia đang làm việc cùng mình trong dự án để tìm hiểu về những câu hỏi mà bạn không thể tự tìm được câu trả lời.
Không chỉ vậy, do tính chất công việc đòi hỏi rất cao, cơ hội trau dồi bản thân của các tư vấn viên quản trị còn đến từ chính những công việc hàng ngày của mình. Không những thế, nhờ đặc thù luân chuyển vị trí và phòng ban thường xuyên, bạn sẽ luôn thay đổi mình và học hỏi để ngày một đạt được những tiến bộ vượt bậc.
Ví dụ, trong dự án A bạn được giao nhiệm vụ tìm cách để tối ưu chi phí cho một nhà máy điện than, nhưng sang đến dự án B, công việc của bạn lại là quản lý rủi ro cho một dự án hậu sáp nhập của hai công ty công nghệ lớn.
Vì thế, thông qua mỗi dự án, bạn không chỉ có cơ hội quan sát vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó rèn luyện tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề mà còn được học tập từ chính những người đồng nghiệp tài giỏi ở mọi cấp bậc khác nhau, hay thậm chí là cả những đối tác trong dự án.
2. Mặt trái của ngành tư vấn quản trị
2.1. Mất cân bằng công việc – cuộc sống
Nếu lựa chọn trở thành một nhà tư vấn quản trị, bạn chắc hẳn sẽ phải đối diện với việc làm nhiều giờ và môi trường áp lực cao nên việc cân bằng công việc – cuộc sống thật sự rất khó. Trong quá trình làm việc, bạn sẽ phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và những yêu cầu khắt khe của họ về kết quả và tiến độ hay bất kể điều gì đều sẽ làm tăng khối lượng công việc.
Các chuyên gia tư vấn quản trị thường phải làm việc trung bình từ 60 đến 80 giờ mỗi tuần, thậm chí làm thêm giờ để giải quyết kịp thời và chuyên nghiệp những yêu cầu từ khách hàng. Và chính thời gian làm việc dài sẽ có thể khiến bạn gặp quá tải nếu bạn không phải một người chịu áp lực tốt, cũng như gây ra những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe thể chất và tinh thần.
2.2. Di chuyển nhiều
Do tính chất công việc, các nhà tư vấn quản trị (management consultant) thường xuyên phải di chuyển giữa các văn phòng để làm việc với khách hàng và chuyên gia. Việc phải di chuyển liên tục cũng có thể gây ra xáo trộn giờ giấc, thay đổi thời tiết hay ảnh hưởng tới những quan hệ xung quanh, đặc biệt khi bạn đã có gia đình/ người yêu.
Tóm lại, mọi sự lựa chọn luôn tồn tại những điều được và mất, kể cả việc lựa chọn trở thành một tư vấn viên quản trị. Tuy nhiên, nếu bạn đã xác định sẽ cống hiến thời gian và công sức của mình để không ngừng học hỏi và chuẩn bị cho những bước thăng tiến nhảy vọt trong tương lai thì chắc chắn cố vấn quản trị sẽ là một công việc vô cùng đáng giá để đầu tư cho những trải nghiệm và sự trưởng thành.
3. Hình mẫu của một nhà tư vấn quản trị thành công
3.1. Duy trì tham vọng
Nhà tư vấn quản trị sẽ khó lòng đạt được những kết quả to lớn nếu thiếu đi tham vọng. “Tham vọng” ở đây không nên hiểu theo nghĩa tiêu cực, mà nên xem nó giống như hoài bão đạt được những mục tiêu và tầm nhìn cao hơn, từ đó tạo động lực để con người phát huy hết khả năng và đạt được những thành tựu to lớn ngoài sức tưởng tượng.
Tư vấn quản trị là một công việc vô cùng thử thách, đòi hỏi các nhà cố vấn quản trị phải luôn biết cách tự hoàn thiện bản thân để luôn tiến bộ và đổi mới. Nếu một người có tham vọng, họ sẽ biết bản thân thực sự muốn gì, từ đó hình thành cho mình những kế hoạch, định hướng và vạch ra các bước rõ ràng để đạt được mục tiêu một cách hoàn hảo nhất.
3.2. Kỹ năng hành nghề
Kỹ năng hành nghề, hay còn được biết đến là những kỹ năng liên quan cụ thể đến ngành nghề của bạn. Trong ngành tư vấn quản trị, kỹ năng hành nghề đề cập đến tất cả những khía cạnh trong công việc hàng ngày của một tư vấn viên quản trị tiêu chuẩn: từ việc biết cách xây dựng các vấn đề phức tạp; hay cách thu thập những dữ liệu chi tiết và đáng tin cậy trong một hệ thống thông tin khổng lồ; cho tới việc trình bày những thông tin ấy một cách hợp lý và ngắn gọn trên các sản phẩm đầu ra. Vì thế, bạn sẽ luôn cần tích lũy và rèn luyện những kỹ năng bổ trợ khác như kỹ năng phân tích dữ liệu, kỹ năng thuyết trình, và kỹ năng tư vấn thông minh….
Giả sử trong quá trình làm việc, khách hàng đã cung cấp cho bạn một phần dữ liệu sai. Một nhà tư vấn quản trị được trang bị những kỹ năng hành nghề thiết yếu sẽ thông báo ngay lập tức cho khách hàng của mình để những lỗi sai được kịp thời sửa đổi, nhờ đó tiết kiệm được đáng kể thời gian và công sức bỏ ra. Mặt khác, một nhà tư vấn không có kỹ năng này sẽ không nhận thấy những lỗ hổng thông tin ngay từ ban đầu. Cuối cùng, anh ta phải thay đổi toàn bộ các dữ liệu đã thực hiện cũng như những nhánh công việc liên quan dẫn đến lãng phí nhiều tài nguyên.
3.3. Kỹ năng làm việc với con người
Kỹ năng nhân sự, hay năng lực con người bao gồm những kiến thức và kỹ năng làm việc với con người (kể cả chính bản thân mình). Đây là năng lực giúp cho nhà tư vấn quản trị làm việc hiệu quả hơn với những khách hàng của họ và từ đó đạt được các mục tiêu đề ra.
Tiêu biểu, giao tiếp là kỹ năng trọng tâm trong công việc hàng ngày của mọi nhà tư vấn quản trị. Nếu bạn là một người có kỹ năng giao tiếp tốt cả bằng lời nói và văn bản để truyền tải một cách chính xác và thuyết phục những thông điệp của bạn, chắc chắn bạn sẽ đạt được những mục tiêu đề ra một cách thuận lợi hơn.
Hoặc như bạn đã biết, tư vấn quản trị là một công việc yêu cầu làm việc theo nhóm rất nhiều, vì thế, kỹ năng làm việc nhóm tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hành nghề của bạn. Trong một công ty tư vấn quản trị, sự đa dạng về văn hóa và chuyên môn luôn được đánh giá cao và đã trở thành một đặc trưng tiêu biểu.
Giả sử, nếu bạn không phải một người biết lắng nghe hay biết cách chấp nhận sự khác biệt, hoặc có những kỹ năng làm việc với con người kém, bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn để có thể sớm thích ứng với công việc và những người đồng nghiệp. Vậy nên để có thể đạt được một môi trường làm việc đáng mơ ước cùng những mối quan hệ gắn bó, bạn chắc chắn không thể thiếu kỹ năng này!
3.4. Khả năng học hỏi không ngừng
Việc học hỏi trong công việc tư vấn quản trị là một quá trình cần được kéo dài thường xuyên và diễn ra liên tục. Bởi vì sẽ luôn tồn tại những điều bạn không biết hoặc không thể lường trước, từ việc tiếp xúc với một lĩnh vực mới trong dự án; di chuyển đến một vùng đất bạn chưa từng đến trong những chuyến công tác trước đây; đảm nhiệm một chức năng khác đầy thách thức trong đội ngũ hay những người đồng nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới mà bạn sẽ làm việc cùng…
Và, tất cả họ đều là những người tài giỏi. Vậy nên, khả năng học hỏi sẽ giúp bạn sớm thích nghi và không ngừng phát triển trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh của các nhà tư vấn quản trị.
3.5. Kỹ năng quản lý nguồn lực
Về bản chất, kỹ năng quản lý nguồn tài nguyên đề cập đến tất cả các công cụ mà bạn có để hoàn thành nhiệm vụ và quá trình phân bổ các nguồn lực ấy sao cho thu về được những kết quả tối ưu nhất, từ thời gian, tài liệu khách hàng cung cấp, các chuyên gia cho đến những cộng sự.
Trong lĩnh vực tư vấn quản trị, tất cả mọi người đều đã được tối đa hóa. Điều này có nghĩa là dường như không còn bất kỳ chỗ trống nào cho việc mở rộng giờ làm việc hay những nguồn lực được cung cấp. Vì vậy, những người biết cách lên kế hoạch trước mọi thứ, giao tiếp hiệu quả với khách hàng và tận dụng các nguồn lực hiện có một cách tốt nhất là những nhà tư vấn quản trị thành công nhất.
Tiếp tục phân tích ví dụ trên, giả sử hai nhà tư vấn đều nhận thấy những lỗ hổng trong dữ liệu và cả hai đều có kỹ năng thuyết phục hiệu quả khách hàng của mình để sửa đổi lại dữ liệu. Tuy nhiên, có thể một người sẽ không làm gì cả trong suốt thời gian chờ đợi câu trả lời từ phía khách hàng, đặc biệt là khi điều này xảy ra vào giai đoạn cuối.
Trong khi đó, người còn lại có kỹ năng quản lý nguồn lực tốt hơn sẽ có những kế hoạch dự phòng cho việc quản trị rủi ro. Việc tổ chức thu thập trước những dữ liệu cần thiết có thể đã ở trong kế hoạch làm việc của anh ấy ngay từ đầu, và anh ấy luôn đảm bảo những phương án dự trù ngay cả khi một giai đoạn trong công việc phải tạm dừng thì anh ấy và tất cả những nguồn lực hiện có của anh ấy vẫn có thể hoạt động một cách hiệu quả.
4. Lời kết
Tóm lại, nếu muốn trở thành một nhà tư vấn quản trị thành công và thăng tiến nhanh trên con đường sự nghiệp, bạn không thể thiếu được 5 kỹ năng của một nhà tư vấn quản trị được đề cập trên đây.
Đọc thêm: Framework giải case interview thường gặp